Skip to main content

Giới thiệu chung

Vĩnh Phú là xã nông nghiệp, có diện tích đất tự nhiên 3.669 ha, trong đó diện tích nông nghiệp 3.123 ha, đất trồng cây lâu năm 72 ha. Xã có 6 ấp với 2.614 hộ, tổng số 9.893 người, sinh sống tập trung ở ấp Trung Phú 1, Trung Phú 2, Trung Phú 3, Trung Phú 4, còn lại 2 ấp chỉ sống dọc theo các tuyến kênh, mặt bằng về trình độ học vấn không đều. Đa số người dân tín ngưỡng đạo Phật có 5.294 tín đồ, chiếm tỷ lệ 53,5 %; tôn giáo Phật giáo Hoà hảo với trên 3.616 tín đồ, chiếm tỷ lệ 36,55%; tín ngưỡng đạo Công giáo 50 tín đồ, chiếm tỷ lệ 0,5%; tín ngưỡng đạo Cao Đài có 12 tín đồ, chiếm tỷ lệ 0,12%; còn lại là tín ngưỡng dân gian, thờ cúng ông bà với 921 người.

Vĩnh Phú xưa - Vài nét về vùng đất và con người Vĩnh Phú

Vĩnh Phú là một vùng đất ở Thoại Sơn, được khai phá sớm, có tên trong địa giới hành chính từ triều Minh Mạng (1820-1840). Tuy nhiên, do là một địa bàn vùng sâu, có một phần tiếp giáp với kinh Long Xuyên - Rạch Giá nên mức độ khai phá không đồng đều. Năm 1901, làng Vĩnh Phú mới có 656 dân. Đến những năm 20 của thế kỷ XX, cùng với quá trình di chuyển dân cư ở các nơi (chủ yếu là Chợ Mới, Long Xuyên) đến đây, người dân đã định cư tương đối đông dọc theo kinh Long Xuyên - Rạch Giá (đoạn chảy qua xã dài 1,5 km), khu vực phía nam kinh Ba Dầu dân cư còn rất thưa thớt, cả cây số mới có vài ba cái nhà, phía bắc kinh Ba Dầu đất còn bỏ hoang, chưa có người ở, khu vực kinh Núi Chóc - Năng Gù (kinh Lạng, có 3 km chảy qua Vĩnh Phú) cũng chỉ có vài gia đình vô cất trại ruộng, chưa có người định cư.

Dọc theo những bờ kinh, nhân dân cất nhà theo kiểu nhà sàn cao hơn mặt nước lũ. Phương tiện giao thông rất nghèo nàn, mùa khô thì đi bộ, mùa nước thì đi xuồng. Bấy giờ, với những công cụ thô sơ như phảng, cuốc, cày, lưỡi hái và sức kéo trâu bò, nhân dân ở đây mới khai phá tới ngàn nhứt, ngàn nhì (1.000 - 2.000 mét tính từ hai bên bờ kinh Thoại Hà và kinh Ba Dầu) theo kiểu "móc lõm" ở những nơi dễ khai phá để trồng lúa mùa nổi, những giống lúa dài ngày như Nàng Tây lớn, Nàng Tây nhỏ, Nàng Tri, Tàu Binh, Lá Rừng... với năng suất thấp, đạt từ 7 - 8 giạ/1 công đất (1.000 m'), có nơi trúng được 15 giạ/công đất. Trong đồng sâu là đất "bỏ lâm" với cỏ, lác, đế, điên điển, lung vũng, có tràm mọc từng chòm. Lúc bấy giờ, chim chuột rất nhiều nên khi sạ lúa hoặc sắp thu hoạch, người ta phải dùng thùng thiếc đánh lên, hoặc lấy đất ném để xua đuổi chúng. Việc làm lúa từ khâu cày đất cho đến các khâu gieo sạ, thu hoạch đều mang tính thủ công, chưa áp dựng máy móc, khoa học kỹ thuật.

Dưới kinh, trong đồng đỉa rất nhiều. Nhà ai có nuôi bò, mùa nước vô đồng cắt cỏ phải ngồi trên xuồng, phải cột dây thun vô ống tay áo nhưng đỉa vẫn bám đầy tay khi nhúng xuống nước. Muỗi nhiều vô kể. Nhiều nhà không có mùng phải ngủ "nóp" '. Khi ngủ mùng (kết bằng bao bố tời hoặc vải), người ta cũng phải đốt rơm un khói để đuối muỗi.

Quanh năm có rất nhiều tôm, cá, rùa, rắn. Chài, lưới, vó, câu, chà rào, lợp đường giăng... là những dụng cụ đánh bắt cá, tôm, hoặc mùa nước cạn có thể xuống sông mò cá cũng dư ăn. Vào mùa nước nổi, người ta bẻ lá cây che thành "tum", đợi cá vào rồi dùng "xà búp" (chĩa có 3 mũi) để đâm. Hàng năm, vào khoảng tháng 10 - 11 âm lịch là mùa cá dại (nước thối do rơm rạ phân hủy nên cá nối lờ đờ trên mặt nước), người ta có thể dùng rổ xúc cá hoặc câu tôm vào ban đêm. Nhờ có nguồn thủy sản phong phú nên những khi mất mùa, thiếu gạo, người ta nấu cháo cá, rùa, rắn... ăn thay cơm.

Tuy được thiên nhiên ưu đãi nhưng cuộc sống của nhân dân Vĩnh Phú cũng như những nơi khác rất nghèo khổ, cơ cực vì bị thực dân, phong kiến áp bức bóc lột nặng nề. Người dân Vĩnh Phú luôn sống đoàn kết, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm.

Về tín ngưỡng, từ thời khai hoang lập làng (thôn), người dân nơi đây đã dựng một ngôi đình thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng Tôn Thần và những người có công với nước, trong đó có thờ vị anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực (1837 - 1868). Đây là một ngôi đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc đình làng Việt Nam, còn lưu giữ được những nét cổ kính, những hoa văn được khắc họa công phu. Kiến trúc theo kiểu chữ Tam gồm 1 quần thể 3 nhà vuông, mỗi nhà có 4 cột cái, gọi là tứ trụ. Loại này có diện tích mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đâm và kèo quyết đều nhau, vuông vức, làm nơi thờ tự chứ không để ở. Tứ trụ của Chánh điện bằng cột gỗ căm xe tròn, những gian bên ngoài là cột vuông có tuổi hàng trăm năm, được gắn các liễn câu đối bằng chữ nho, tạo thêm vẻ trang nghiêm, cổ kính của ngôi đình. Vách trước của Chánh điện có nhiều khung kiếng với những hình trang trí hoa văn, chim phụng, rồng, hoa lá... được khắc họa với những đường nét công phu. Trên nóc mái đình có dàn bát tiên, tượng sư tử, lưỡng long tranh châu và những hoa văn trang trí khác. Mái lợp ngói lá và ngói Phú Hữu (những phần được sửa chữa sau này). Trước đình có miếu thờ ngũ hành được xây dựng từ năm 1943. Ngày 13 tháng 3 năm 1942 (năm Bảo Đại thứ 14), vua Bảo Đại phong sắc thần cho đình Vĩnh Phú với danh hiệu: Tịnh Hậu Vực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần , lệnh cho toàn dân lo phụng sự thờ cúng. Đình Vĩnh Phú có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo nên được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (Quyết định số 1568/QĐ.CTUB của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang). Mỗi năm, Ban Quý tế tổ chức cúng vào 3 rằm lớn (tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười âm lịch), cúng Hạ điền (10 - 11/12 âm lịch), cúng Kỳ yên (10 - 11/4 âm lịch) và cúng giỗ Thần (28/8 âm lịch), thu hút hàng ngàn lượt người dân đến dự. Đây là một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam nói chung và Vĩnh Phú nói riêng.

ZaloĐình Thần Vĩnh Phú

Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Vĩnh Phú một lòng hướng về cách mạng, đi theo tiếng gọi của Đảng đấu tranh giải phóng quê hương.

Những năm kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược, Vĩnh Phú là khu vực có dân cư thưa thớt nhưng nhân dân nơi đây đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang kiên quyết chống giặc bằng vũ khí thô sơ; đồng thời, Vĩnh Phú cũng là nơi ẩn náu an toàn của cán bộ cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và tay sai, chính quyền Sài Gòn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để chia rẽ nhân dân, khủng bố cách mạng. Vĩnh Phú trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng kẻ địch không thể lung lạc được lòng dân. Chi bộ xã được thành lập nhưng chỉ được khoảng 4 năm thì tan rã sau trận đánh 13 người hy sinh năm 1964. Trong điều kiện ác liệt nhất, người dân Vĩnh Phú vẫn cung cấp sức người, sức của cho cách mạng đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhân dân Vĩnh Phú lại góp phần xương máu của mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời vượt qua bao khó khăn, trở ngại, chung sức chung lòng xây dựng quê hương với những phong trào hành động cách mạng, mang lại những kết quả thiết thực.

Vĩnh Phú trong tiến trình lịch sử

Dưới thời vua Gia Long (1802-1820), từ biên giới Việt Nam - Campuchia xuống đến giáp biển, qua phía Rạch Giá, dân cư còn thưa thớt nên chưa chia ra đơn vị hành chính cấp tổng so với các nơi khác; vùng đất Vĩnh Phú thuộc thôn Bình Đức, huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh; vùng đất Vĩnh Phú thuộc thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Theo địa bạ An Giang năm 1836 ghi, Vĩnh Phú thôn ở xứ Ba Thê, phía đông giáp chân núi Ba Thê, phía tây giáp rừng, phía nam giáp chân núi Ba Thê, phía bắc giáp rừng. Như vậy, thôn Vĩnh Phú có diện tích rất rộng bao gồm xã Vĩnh Phú, Tây Phú, Vọng Đông, Vọng Thê và một phần xã Định Mỹ ngày nay.

Năm 1868, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, thực dân Pháp tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính mới, tỉnh An Giang xưa chia làm 3 hạt tham biện: Châu Đốc, Sa Đéc, Ba Xuyên; vùng đất Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phước, hạt Châu Đốc. Theo Nghị định ngày 5-1-1876, Pháp bỏ Nam Kỳ lục tỉnh thời Nguyễn, chia ra thành 4 khu vực Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac và đổi tên thôn thành làng. Khu vực Bassac có 6 hạt Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Ôn, Sóc Trăng; làng Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phước, hạt Long Xuyên. Theo Nghị định ngày 20-12-1899, Pháp bãi bỏ hạt thành tỉnh; làng Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 4-10-1912, làng Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phú, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 1-1-1920, làng Vĩnh Phú tách một khoảng đất nhập vào làng Phú Nhuận.

Dưới chính quyền Sài Gòn, ngày 22-10-1956, tỉnh An Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên cũ và đổi tên làng thành xã; xã Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phú, quận Núi Sập, tỉnh An Giang, với hai ấp Đông Phú và Tây Phú. Ngày 31-5-1961, theo Sắc lệnh 138/SL của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, quận Núi Sập đổi tên thành quận Huệ Đức; xã Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phú, quận Huệ Đức, tỉnh An Giang.

Về phía chính quyền Cách mạng, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, bỏ danh xưng quận và gọi thay thế bằng huyện; Vĩnh Phú thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 6-3-1948, thực hiện Chỉ thị số 50/CT của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc được chia thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu; Vĩnh Phú thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh Long Châu Hậu. Ngày 30-10-1950, Theo Nghị định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề nghị của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên sáp nhập thành tỉnh Long Châu Hà; Vĩnh Phú thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh Long Châu Hà. Tháng 7-1951, huyện Thoại Sơn sáp nhập vào huyện Châu Thành; Vĩnh Phú thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà.

Tháng 10-1954, sau Hiệp định Genève, Xứ ủy Nam Bộ lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc; Vĩnh Phú thuộc huyện Núi Sập, tỉnh Long Xuyên. Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, giữa năm 1957, hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc hợp nhất thành tỉnh An Giang, Vĩnh Phú thuộc huyện Núi Sập, tỉnh An Giang. Tháng 5-1961, huyện Núi Sập đổi tên thành huyện Huệ Đức. Đến tháng 10-1961, để thuận lợi trong việc chỉ đạo kháng chiến, Tỉnh ủy sáp nhập huyện Huệ Đức vào huyện Châu Thành, Vĩnh Phú thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Tháng 8-1971, tỉnh An Giang chia thành hai tỉnh An Giang và Châu Hà; Vĩnh Phú thuộc huyện Huệ Đức, tỉnh Châu Hà.Tháng 5-1974, Trung ương Cục miền Nam giải thể các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong để tái lập tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Tiền và Sa Đéc; Vĩnh Phú thuộc huyện Huệ Đức, tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày giải phóng.

Những tháng đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) là thời kỳ quân quản. Đến tháng 2-1976, Nghị định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòà miền Nam Việt Nam giải thể khu hợp nhất tỉnh, bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy lại danh xưng "huyện", "quận" và "phường" dành cho các đơn vị tương xứng với huyện và xã khi đã đô thị hóa; xã Vĩnh Phú giải thể, ấp Đông Phú nhập vào xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành), ấp Tây Phú nhập vào xã Vọng Thê (huyện Huệ Đức).

Ngày 11-3-1977, theo Quyết định số 56-CP của Hội đồng Chính phủ hợp nhất hai huyện Huệ Đức và Châu Thành thành huyện Châu Thành, huyện lỵ đặt tại xã Hòa Bình Thạnh (thị trấn An Châu ngày nay); vùng đất Vĩnh Phú thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ngày 25-4-1979, theo Quyết định 181- CP của Hội đồng Chính phủ, xã Vĩnh Phú được lập lại trên cơ sở tách các ấp Trung Phú 1 và ấp Trung Phú 2 của xã Vĩnh Nhuận thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Ngày 23-8-1979, theo Quyết định số 300-CP của Hội đồng Bô trưởng chia huyện Châu Thành thành hai huyện Châu Thành và Thoại Sơn; xã Vĩnh Phú thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Toàn xã có 4 ấp gồm: Trung Phú 1, Trung Phú 2, Trung Phú 3 và Trung Phú 4. Năm 1989, theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ấp Trung Phú 5 và Trung Phú 6 được thành lập trên cơ sở chia tách từ 2 ấp Trung Phú 3 và Trung Phú 4. Xã có 6 ấp duy trì đến nay.